Tham gia Na99 Top App

Tìm hiểu về Chelsea - Từ đội bóng tầm trung đến kỷ nguyên thống trị của Abramovich

Ngày đăng: 29/04/2024

Trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại của Chelsea ở thế kỷ XX, họ chỉ là một đội bóng tầm trung của giải Ngoại Hạng Anh với chỉ 1 chức vô địch quốc gia vào năm 1955. Tuy nhiên, từ khi chủ tịch Roman Abramovich tiếp quản đội bóng, “The Blues” gặt hái danh hiệu và dần trở thành một trong những CLB vĩ đại nhất lịch sử nước. Quả thật, Chelsea là một đội bóng khá đặc biệt ở Premier League. Hôm nay hãy cùng Chảo Lửa TV, website trực tiếp phát sóng các trận đấu bóng đá tìm hiểu về đội bóng thành London để biết thêm về sự đặc biệt đó!

1. Lịch sử hình thành câu lạc bộ

1.1 Thời kỳ sơ khai

Câu lạc bộ bóng đá Chelsea được thành lập vào đêm mồng 10 tháng 3 đầy đáng nhớ năm 1905, tại một phòng trên lầu của quán rượu Rising Sun (nay có tên là Butcher’s Hook), nằm trên đường Fullham. Những người sáng lập lúc bấy giờ bao gồm ông chủ triệu phú Henry Augustus ‘Gus’ Mears, ông anh trai Joseph và ông anh rể Henry Boyer của ông.

Gus Mears đã mua sân Stamford Bridge vào năm 1896. Tuy nhiên, ông phải đợi ròng rã tám năm trời, cho đến năm 1904 mới mua đứt được nơi này, khi người chủ cũ qua đời. Vì trong khu vực ấy lúc bấy giờ đã có một đội bóng tên là Fullham nên cuối cùng tên của khu đô thị kế cận đã được lựa chọn làm tên của đội bóng, sau khi những cái tên như London FC hay Stamford Bridge FC bị gạch bỏ. Chelsea trở thành một trong số ít các câu lạc bộ được thành lập sau khi mua sân vận động.

Đội hình Chelsea năm 1905, thời điểm này đội bóng thành London còn mặc áo xanh nhạt giống với Manchester City

Ban đầu Chelsea muốn tham gia Southern League, nhưng yêu cầu của họ đã bị bác bỏ do sự phản đối của Tottenham Hotspur và Fullham, do đó Chelsea buộc phải đăng ký vào Football League. Sự ổn định tài chính và sân vận động mới đầy ấn tượng cùng sự hiện diện của các cầu thủ bảo chứng chất lượng như William “Fatty” Foulke (thủ môn ngôi sao từng giành một chức vô địch và hai Cúp FA với Sheffield United) đã giúp Chelsea thành công trong việc gia nhập Football League.

John Robertson, hậu vệ 28 tuổi người Scotland đã được giao vai trò dẫn dắt Chelsea và đảm trách vai trò của một cầu thủ kiêm huấn luyện viên. Ngay từ đầu, Chelsea đã có khả năng thu hút những tên tuổi lớn đến với Stamford Bridge. Kết quả là, nhiều cầu thủ thành danh ở các đội khác đã được mang về cùng Foulke. Chelsea đã ký hợp đồng với nhiều ngôi sao đương thời như Jimmy Windridge, Bob McRoberts (đều từ Small Heath) và Frank Pearson (từ Manchester City). Trong trận đấu chuyên nghiệp đầu tiên vào ngày 2 tháng 9 năm 1905, Chelsea chơi trên sân của Stockport County và để thua với tỷ số 0-1. Trận đấu đầu tiên của Chelsea trên sân nhà Stamford Bridge là trận giao hữu với Liverpool, và họ đã giành chiến thắng giòn giã với tỷ số 4-0. Tại thánh địa Stamford Bridge, Chelsea cũng đã đánh bại West Brom vào tháng 9 năm 1905 để đánh dấu trận thắng đầu tiên trên sân nhà.

Logo Chelsea từ năm 1905 - 1952

Trong năm đầu tiên, Chelsea kết thúc mùa giải với vị trí thứ ba ở Giải hạng hai của Football League. Sau sự ra đi của Robertson vào tháng 1 năm 1907, thư ký câu lạc bộ là William Lewis trở thành huấn luyện viên tạm thời. Ông đã giúp đội bóng thăng hạng ở cuối mùa giải. Các cầu thủ nổi tiếng, như Windridge và George “Gatling Gun” Hilsdon, là những người đóng góp lớn nhất với số lượng bàn thắng rất khủng. Hilsdon là người đầu tiên trong số rất nhiều những tiền đạo xuất sắc từng chơi cho Chelsea. Ông đã ghi được 5 bàn thắng trong trận ra mắt và tổng cộng 27 bàn khi Chelsea thăng hạng. Ông cũng là cầu thủ Chelsea đầu tiên ghi được 100 bàn thắng.

Sau đó, David Calderhead thay thế Lewis ngồi vào vị trí huấn luyện và tiếp tục giữ cương vị này trong suốt 26 năm tiếp theo. Những mùa giải đầu chưa phải là những mùa giải thành công nhất và đội bóng liên tục lên xuống Giải hạng nhất và Giải hạng hai. Họ xuống hạng ở mùa bóng 1909-1910, rồi lên hạng ở mùa 1911-1912, sau đó kết thúc ở vị trí 19 đầy buồn bã vào cuối mùa 1914-1915, mùa bóng cuối ở nước Anh trước khi các giải đấu tạm ngưng do Thế Chiến I.

1.2 Thời kỳ 1919 -1980

Lẽ ra Chelsea đã bị xuống hạng sau mùa giải 1914/15 với thành tích bết bát, nhưng đến năm 1919, khi chiến tranh kết thúc, giải đấu được tiếp tục và mở rộng cho 22 đội, nên Chelsea lần nữa lại được thi đấu ở Giải hạng nhất. Ở mùa giải đó, “The Blues” kết thúc ở vị trí thứ ba tại First Division năm 1920, thành tích tốt nhất của câu lạc bộ tại giải quốc gia thời điểm đó.

Khá thú vị khi ở quãng thời gian này Chelsea không giành được danh hiệu nào đáng kể, nhưng họ lại trở thành một trong những đội bóng được ủng hộ nhiều nhất trong nước. Người hâm mộ bị thu hút khi họ chơi một thứ bóng đá tấn công đầy đẹp mắt. Bên cạnh đó ổn định về tài chính của Chelsea đã giúp câu lạc bộ ký hợp đồng với nhiều ngôi sao.

Các cầu thủ Chelsea năm 1955

Đến năm 1952, tiền đạo trung tâm của Arsenal và tuyển Anh Ted Drake trở thành huấn luyện viên trưởng và tiến hành hiện đại hóa câu lạc bộ. Ông đã cải thiện hệ thống đào tạo trẻ và phương pháp luyện tập, tái xây dựng đội bóng với những cầu thủ từ các giải đấu thấp hơn và nghiệp dư. Ted Drake đã dẫn dắt Chelsea giành được danh hiệu lớn đầu tiên – chức vô địch quốc gia mùa giải 1954/55. Mùa giải sau đó UEFA thành lập European Champions' Cup, nhưng do sự phản đối từ The Football League và FA nên Chelsea buộc rút lui khỏi giải đấu từ trước khi nó khởi tranh.

Cuối những năm 50 thế kỷ XX, Chelsea thi đấu ngày một sa sút và Ted Drake bị sa thải năm 1961, ông được thay thế bởi cầu thủ kiêm huấn luyện viên Tommy Docherty. Docherty xây dựng đội bóng mới xung quanh một nhóm các cầu thủ trẻ tài năng đang nổi từ hệ thống đào tạo trẻ của câu lạc bộ, điều này giúp Chelsea luôn nằm trong nhóm tranh chấp danh hiệu suốt những năm 1960. Mùa giải 1964/65 họ có cơ hội giành cú ăn ba quốc nội, tuy nhiên họ chỉ giành được League Cup và thất bại ở hai giải đấu còn lại. Dưới triều đại của người kế nhiệm Docherty, Dave Sexton, Chelsea giành chức vô địch FA Cup năm 1970 khi đánh bại Leeds United 2–1 trong trận đá lại chung kết. Chelsea cũng giành danh hiệu châu Âu đầu tiên, UEFA Cup Winners' Cup, một năm sau đó khi đánh bại Real Madrid ở Athens.

1.3 Thời kỳ 1980 - 2003

Những năm 80 của thế kỷ XX là một thời kỳ đầy biến động của Chelsea. Do tham vọng mở rộng Stamford Bridge đã đe dọa đến tình hình tài chính của câu lạc bộ, các cầu thủ ngôi sao bị bán đi còn đội bóng thì xuống hạng. Năm 1982, Chelsea đã gặp may trong giai đoạn đen tối nhất khi được thu mua lại bởi Ken Bates với giá tượng trưng 1 bảng Anh, mặc dù lúc đó quyền sử dụng sân Stamford Bridge đã bị bán cho các nhà phát triển bất động sản, điều đó có nghĩa câu lạc bộ phải đối mặt với nguy cơ mất sân nhà. Trên sân, đội bóng có cải thiện theo chiều hướng tốt hơn, từ việc đối mặt với nguy cơ xuống Third Division lần đầu tiên, nhưng đến năm 1983 huấn luyện viên John Neal đã tạo nên một đội bóng mới ấn tượng với kinh phí hạn hẹp. Chelsea giành chức vô địch Second Division mùa 1983/84 và trụ vững tại giải đấu cao nhất, trước khi xuống hạng vào năm 1988. Câu lạc bộ ngay lập tức trở lại sau khi vô địch Second Division mùa 1988/89.

Sau một thời gian dài đấu tranh pháp lý, Bates giành lại quyền sử dụng sân cho câu lạc bộ vào năm 1992. Cho đến khi bổ nhiệm Ruud Gullit với tư cách cầu thủ kiêm huấn luyện viên năm 1996, số phận câu lạc bộ đã thực sự thay đổi. Ông mang về những cầu thủ ngoại hàng đầu, câu lạc bộ vô địch FA Cup năm 1997 và một lần nữa trở lại với vị thế của một trong những câu lạc bộ mạnh nhất nước Anh. Sau đó, Gullit được thay thế bởi Gianluca Vialli, người đưa đội bóng giành chức vô địch League Cup, UEFA Cup Winners' Cup và UEFA Super Cup năm 1998, FA Cup năm 2000 và lần đầu tham dự UEFA Champions League.

Chelsea vô địch FA Cup 1996/97

1.4 Thời kỳ 1903 - 2022

Nhiệm kỳ đầu của Mourinho (2004-2007)

Tháng 6/2003, tỉ phú người Nga Roman Abramovich mua Chelsea với giá 140 triệu bảng Anh. Trong năm đầu làm chủ tịch Chelsea, Roman Abramovich đã chi ra tổng cộng gần 111 triệu bảng Anh để tái thiết lại Chelsea. Những tân binh được mua về bao gồm Hernán Crespo, Adrian Mutu, Claude Makélélé hay Damien Duff. Với số tiền đã bỏ ra, Chelsea được mong đợi trở thành một ông lớn, tuy nhiên dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Claudio Ranieri, niềm hi vọng đó bị dập tắt khi Chelsea không giành được bất kì một danh hiệu nào, họ xếp sau Arsenal tại Giải ngoại hạng, và bị đối thủ này loại ở Cúp FA. Ở UEFA Champions League năm 2004, Chelsea cũng đã lọt vào vòng bán kết trước khi dừng bước trước AS Monaco. Với việc trắng tay trên tất cả các giải đấu, Ranieri đã bị sa thải.

Sang mùa giải tiếp theo, Chelsea đã mời được huấn luyện viên người Bồ Đào Nha, ông José Mourinho về dẫn dắt The Blues. Mùa hè năm ấy, Chelsea đã có những sự bổ sung lực lượng quan trọng sau một mùa giải trắng tay như thủ môn Petr Čech, tiền đạo Didier Drogba hay hậu vệ Ricardo Carvalho. Mùa giải ấy Chelsea đã lật đổ sự thống trị của Arsenal và Manchester United khi đăng quang ngôi vô địch Giải Ngoại hạng Anh cùng điểm số kỷ lục 95 điểm với 29 trận thắng, hòa 8 trận và chỉ thua duy nhất 1 trận. Ngoài ra họ cũng giành được một danh hiệu khác là League Cup sau chiến thắng kịch tính 3-2 sau 120 phút thi đấu tại trận chung kết với câu lạc bộ Liverpool.

2004/05 là mùa giải đầu tiên Mourinho giành chức vô địch Premier League cùng với Chelsea

Mùa giải 2005/06, Chelsea tiếp tục vô địch Premier League với thành tích 29 trận thắng như mùa trước, hòa 4 và thua 5 trận. Mùa giải tiếp theo, Chelsea không thể bảo vệ thành công ngôi vô địch Giải Ngoại hạng Anh. Câu lạc bộ xếp vị trí thứ 2 chung cuộc sau Manchester United. Mặc dù mất ngôi vô địch vào tay đối thủ đến từ Manchester nhưng Chelsea của Mourinho vẫn có thêm 2 danh hiệu từ Cúp FA và League Cup.

Mùa giải 2007/08 được xem là mùa giải cuối cùng mà José Mourinho dẫn dắt Chelsea. Truyền thông đã đưa tin rằng “Người đặc biệt” có xích mích với ông chủ người Nga, Roman Abramovich về việc Mourinho ép tiền đạo Andriy Shevchenko phải ngồi dự bị. Những mâu thuẫn nội bộ cùng thành tích không mấy sáng sủa nên vào ngày 20/9, Mourinho chính thức bị sa thải, thay thế ông là Avram Grant. Nhưng Avram Grant cũng chỉ có thể giúp Chelsea giành ngôi Á quân tại Premier League, sau đó là trận thua 1-2 trước Tottenham Hotspur tại trận chung kết Cúp Liên Đoàn. Và cay đắng hơn, năm đó Chelsea đã lọt vào trận Chung kết UEFA Champions League 2008 gặp Manchester United. Sau 120 phút hòa nhau 1-1, thì trong loạt sút luân lưu, tưởng chừng chức vô địch đã thuộc vể Chelsea sau pha đá hỏng của Cristiano Ronaldo, nhưng bất ngờ trung vệ John Terry lại trượt chân trong loạt sút của mình dẫn đến quả bóng bay chạm cột dọc và ra ngoài, sau đó pha đá của Nicolas Anelka bị thủ môn Edwin van der Sar cản phá dẫn đến thất bại của “The Blues”. Với việc phải về nhì cả ba lần, khi mùa giải kết thúc, Avram Grant phải ra đi. 

Thời hậu Mourinho

Trước khi mùa giải 2008/09 khởi tranh, Chelsea đã bổ nhiệm huấn luyện viên Luiz Felipe Scolari. Tuy nhiên, sau một năm cầm quân, chiến lược gia Brazil bị sa thải sau chuỗi thành tích tệ hại. Mùa giải 2009/10, huấn luyện viên Ancelotti đã làm rất tốt công việc của mình khi ông giúp Chelsea đánh bại Man Utd ở trận tranh Siêu Cúp nước Anh, ngoài ra đưa đội bóng lên ngôi vô địch Giải Ngoại hạng Anh lần thứ 4 trong lịch sử.

Dù Carlo Ancelotti là một vị HLV huyền thoại nhưng với sự kỹ tính từ chủ tịch Roman Abramovich, chỉ với mùa giải trắng tay sau đó, chiến lược gia người Ý đã bị sa thải. Mùa hè năm 2011, Chelsea đã tìm được người thay thế huấn luyện viên Ancelotti, đó là một người Bồ Đào Nha, ông André Villas-Boas, một huấn luyện viên trẻ vừa giúp Porto đăng quang ngôi vô địch UEFA Europa League mùa giài trước, đồng thời được mệnh danh là Mourinho đệ Nhị. Được kỳ vọng rất nhiều, nhưng Villas-Boas không thể giúp Chelsea khẳng định được mình tại Giải ngoại hạng Anh. Đầu tiên là việc Chelsea để thua Manchester United 1-3 vào tháng 9 năm 2011, sau đó là trận thua mất mặt 3-5 trên sân nhà trước kình địch cùng thành phố Arsenal. Đến tháng 3/2012, sau trận thua 0-1 trên sân của West Brom, sự kiên nhẫn của Abramovich đã đạt giới hạn, ngay sau trận thua, Chelsea đã ra phương án sa thải huấn luyện viên người Bồ, và thay thế ông là trợ lý Roberto Di Matteo.

Các cầu thủ Chelsea diễu hành quanh London để ăn mừng chức vô địch Champions League 2012

Có thể nói, Roberto Di Matteo là “Kẻ đóng thế vĩ đại” trong lịch sử Chelsea. Di Matteo đã giúp đội bóng áo xanh thi đấu cực kỳ thăng hoa để tiến một mạch vào Chung kết Champions League. Đối thủ cuối cùng của họ là câu lạc bộ Bayern Munich, cũng là chủ nhà đăng cai trận chung kết. Tại trận Chung kết UEFA Champions League 2012, tưởng chừng như Chelsea lại lỡ hẹn với chức vô địch châu Âu khi Thomas Müller đánh đầu mở tỉ số vào phút thứ 85, nhưng chỉ vài phút sau đó, Didier Drogba cũng có một pha đánh đầu đưa bóng vào lưới của thủ môn Manuel Neuer cân bằng tỉ số 1-1. Sự bản lĩnh trên chấm phạt đền của Drogba hay Ashley Cole đã giúp Chelsea có lần đầu tiên nâng cao chiếc cúp bạc danh giá. 

Tuy vậy, ở mùa giải sau, Chelsea của Roberto Di Matteo bị loại ngay từ vòng bảng UEFA Champions League, thành tích đáng buồn này khiến HLV người Ý bị sa thải. Thay thế Di Matteo là Rafael Benítez. Sau khi xuống chơi tại UEFA Europa League, Benitez với biệt danh "Vua đấu cúp" đã giúp câu lạc bộ này tiến thẳng đến trận chung kết để gặp lại Benfica, đối thủ mà Chelsea đã loại ở Champions League mùa giải trước. Tại trận chung kết, hai pha lập công của Torres và Ivanovic giúp “The Blues” giành chiến thắng 2-1, mang về danh hiệu vô địch châu Âu cho Chelsea. Đây là danh hiệu châu Âu thứ hai của Chelsea trong vòng 2 mùa giải, và họ trở thành đội bóng đầu tiên vô địch UEFA Europa League sau khi đã vô địch UEFA Champions League mùa giải trước.

2013 - 2015: Nhiệm kỳ thứ hai của Mourinho

Ngày 3/6/2013, Chelsea thông báo bổ nhiệm José Mourinho lần thứ 2 với bản hợp đồng 4 năm. Trong mùa giải đầu tiên, Chelsea trắng tay lần đầu tiên kể từ mùa giải 2010/11, nhưng Mourinho nói đó là mùa giải chuyển giao của CLB.

Trong mùa giải tiếp theo, Chelsea giành chức vô địch Premier League lần thứ 4 khi đạt 87 điểm, bỏ xa 8 điểm nhiều hơn đội Á quân Manchester City, Mourinho cũng giúp Chelsea vô địch League Cup khi đánh bại Tottenham Hotspur 2-0 tại chung kết. Mùa giải 2015/16, Chelsea bắt đầu bằng trận thua 0-1 trước Arsenal tại Siêu cup Anh, sau đó là phong độ tệ hại của nhà vô địch Premier League, cùng với đó là "vụ lùm xùm" của Mourinho với Eva Carneiro. Từ tháng 8 tới tháng 12, Chelsea chỉ thắng 5 trong số 19 trận, và tới ngày 17/12, Mourinho bị câu lạc bộ sa thải sau khi để thua 1-2 trước Leicester City.

2016–2018: Thời kỳ Antonio Conte

Antonio Conte bắt đầu công việc của mùa giải 2016/17, trong mùa giải đầu tiên Conte giúp Chelsea giành chức vô địch Premier League thứ 5 khi đạt 93 điểm, đồng thời đưa đội vào chung kết FA cup nhưng thua Arsenal 1-2. Trong mùa giải tiếp theo, dù mang về Álvaro Morata từ Real Madrid với mức giá 58 triệu bảng, nhưng Chelsea mở đầu mùa giải khi hòa 1-1 trước Arsenal sau đó thua 1-4 trên chấm phạt đền tại Siêu cup Anh, sau đó Chelsea thi đấu thiếu ổn định cả mùa và trở thành cựu vương khi chỉ đứng thứ 5 với 70 điểm, qua đó mất suất dự Champions League, dù sau đó ông giúp Chelsea đánh bại Man United 1-0 để giành chức vô địch FA Cup, Chelsea vẫn quyết định sa thải Conte sau khi ông vô địch FA Cup. Như vậy, sau 2 năm dẫn dắt Chelsea, Conte ra đi với 1 danh hiệu Ngoại hạng Anh và 1 FA Cup. Người kế nhiệm Conte là Maurizio Sarri.

Antonio Conte cùng chủ tịch Roman Abramovich ăn mừng chức vô địch Premier League 2017

2019–2021: Thời kỳ Frank Lampard

Maurizio Sarri tiếp quản chiếc ghế của người đồng hương Conte nhưng đội bóng của ông thi đấu không thực sự thành công. Cựu HLV Napoli bị sa thải chỉ sau 1 năm dẫn dắt. Vào tháng7/2019, Lampard được bổ nhiệm làm huấn luyện viên trưởng mới tại câu lạc bộ cũ Chelsea theo hợp đồng 3 năm, trở thành HLV người Anh đầu tiên của CLB trong hơn 2 thập kỷ.

Ở mùa giải đầu tiên dẫn dắt Chelsea, Lampard giúp “The Blues” về thứ 4 cuối mùa, đồng thời đưa đội vào chung kết FA cup nhưng thua Arsenal 1-2, còn tại Champions League, Chelsea để thua nhà vô địch Bayern Munich 1-7 tại vòng 16 đội. Ngày 25 tháng 1 năm 2021, Chelsea sa thải Lampard vì thành tích yếu kém của đội bóng, chưa đầy một ngày sau khi thắng Luton 3-1 ở Cup FA, “Người không phổi” bị sa thải sau khi Chelsea trải qua chuỗi trận tồi tệ ở giải Ngoại hạng khi thua 5/8 vòng đấu– kết quả khiến đội bóng này tụt xuống tận thứ 9 trên bảng xếp hạng.

2021–2022: Thời kỳ Thomas Tuchel

Thomas Tuchel ký hợp đồng 18 tháng, có tùy chọn gia hạn thêm 1 năm với Chelsea 1 ngày sau khi Lampard bị sa thải. Tuchel đã đưa Chelsea lọt vào trận chung kết FA Cup, nhưng để thua 0-1 trước Leicester City, cũng như đưa Chelsea về thứ 4 cuối mùa tại Ngoại hạng Anh. Tuchel cũng đã giúp Chelsea lọt vào Chung kết Champions League sau khi lần lượt vượt qua Atletico Madrid, Porto và Real Madrid, qua đó trở thành huấn luyện viên đầu tiên lọt vào 2 trận chung kết Champions League liên tiếp với 2 câu lạc bộ khác nhau. Cuối mùa giải đó, vị HLV người Đức đã đưa Chelsea vô địch Champions League lần thứ 2 với chiến thắng 1–0 trước Manchester City trong trận chung kết.

Vào ngày 18 tháng 4 năm 2021, Chelsea được công bố là câu lạc bộ sáng lập giải The Super League cùng những “ông lớn” khác ở châu Âu như Real Madrid hay Barcelona, tuy nhiên họ đã tuyên bố rút lui khỏi giải đấu sau đó dưới sức ép từ công chúng.

Mùa giải 2020/21 là lần thứ hai trong lịch sử giành chức vô địch Champions League

Sự kiện Nga tiến đánh Ukraine đã gián tiếp tạo ra việc Abramovic tuyên bố rao bán Chelsea sau 19 năm sở hữu. Vào ngày 10 tháng 3, chính phủ Anh đã công bố các lệnh trừng phạt đối với Abramovich có liên quan đến Chelsea. Chelsea không thể bán vé, quần áo và sẽ không thể mua hay bán cầu thủ trên thị trường chuyển nhượng; tuy nhiên, câu lạc bộ đã được cấp một giấy phép đặc biệt để cho phép đội bóng có thể tiếp tục thi đấu các trận đấu, trả lương cho cầu thủ, nhân viên và cho phép những cổ động viên đã có vé đến xem các trận đấu. Đội bóng vẫn có thể nhận được tiền từ bản quyền phát sóng và tiền thưởng từ các giải đấu.

Vào ngày 7 tháng 5 năm 2022, Chelsea xác nhận rằng các điều khoản cho một nhóm sở hữu mới đã được chấp thuận, dẫn đầu bởi Todd Boehly, Clearlake Capital, Mark Walter và Hansjörg Wyss, để mua lại câu lạc bộ.

2022–nay: Kỷ nguyên Boehly–Clearlake

Vào ngày 25 tháng 5 năm 2022, chính phủ đã phê chuẩn việc tiếp quản Chelsea của tập đoàn do Boehly đứng đầu trị giá 4,25 tỷ bảng Anh. Vào ngày 30 tháng 5 năm 2022, vụ mua bán hoàn tất, chấm dứt 19 năm sở hữu câu lạc bộ của Abramovich. Câu lạc bộ sau đó đã thông báo vào ngày 20 tháng 6 rằng Bruce Buck, người giữ chức Chủ tịch từ năm 2003, sẽ thôi giữ vai trò của mình kể từ ngày 30 tháng 6 mặc dù ông sẽ tiếp tục làm việc với tư cách Cố vấn cấp cao. Petr Čech cũng rời vai trò “Cố vấn Kỹ thuật và Phong độ” 5 ngày sau đó.

Ở kỳ chuyển nhượng mùa hè 2022, Chelsea chi nhiều tiền trong một kỳ chuyển nhượng hơn bất kỳ câu lạc bộ nào khác trong lịch sử giải đấu. Đội đã chi hơn 250 triệu bảng cho những cầu thủ như: Raheem Sterling, Marc Cucurella, Kalidou Koulibaly và Pierre-Emerick Aubameyang. Tuy nhiên, sau khi bất ngờ để thua Dinamo Zagreb 0-1 trong ngày ra quân Champions League mùa giải 2022-2023, Chelsea đưa ra thông báo sa thải Thomas Tuchel vào ngày 7/9/2022, ông nhận được 13 triệu bảng tiền đền bù hợp đồng, bên cạnh đó, các trợ lý của ông cũng nhận được 2 triệu bảng. Chelsea sau đó bổ nhiệm Graham Potter từ Brighton với bản hợp đồng 5 năm. Trong kỳ chuyển nhượng mùa đông, Chelsea đã phá kỷ lục chuyển nhượng của Anh khi ký hợp đồng với Enzo Fernández với giá 120 triệu Euro, trước đó đội đã sở hữu Mykhaylo Mudryk từ Shakhtar Donetsk với mức phí 100 triệu euro. Bằng cách chi hơn 300 triệu bảng trong kỳ chuyển nhượng mùa đông, họ trở thành câu lạc bộ đầu tiên trong lịch sử chi tiêu nhiều hơn cả 4 giải đấu lớn cộng lại. Vào ngày 2 tháng 4 năm 2023, Chelsea thông báo chia tay Graham Potter, một ngày sau khi đội thua Aston Villa và rớt xuống nửa dưới bảng điểm. Frank Lampard trở lại Chelsea sau đó trong vai trò tạm quyền, theo hợp đồng đến tháng 6. Mùa giải đầu tiên dưới thời chủ tịch Boehly kết thúc khi Chelsea đứng thứ 12 tại Ngoại hạng Anh, và dừng bước tại tứ kết trước Real Madrid.

Trước khi mùa giải kết thúc, Chelsea công bố Mauricio Pochettino ký hợp đồng 3 năm, và bắt đầu dẫn Chelsea từ mùa giải 2023-2024.

2. Sân vận động

Sân vận động Chelsea – Stamford Bridge, có một lịch sử phong phú từ khi được khánh thành vào ngày 28 tháng 4 năm 1877. Với sức chứa ban đầu là 5.000 chỗ ngồi, sân đã chứng kiến một sự kiện khai mạc hoành tráng. Vào thời điểm đó, đây là tài sản của một Huân tước giàu có nhất ở London và được thiết kế bởi kiến trúc sư danh tiếng Archibald Leitch.

Sau 28 năm, Stamford Bridge vẫn giữ vững vị trí là sân vận động lớn thứ hai tại Anh, chỉ sau sân Crystal Palace. Tuy nhiên, chủ sở hữu trước đó đã trải qua những thăng trầm, thậm chí đến mức khó khăn về tài chính. Sân Stamford Bridge đã từng được đề xuất bán đi với giá rất rẻ. Cuối cùng, sau một thời gian sử dụng làm sân điền kinh, sân đã chuyển quyền sở hữu cho gia đình Mears.

Phía ngoài SVĐ Stamford Bridge

Ban đầu, thời điểm Chelsea sở hữu Stamford Bridge, SVĐ chỉ có 14.000 chỗ ngồi. Sau đó, Ken Bates mua lại, Stamford Bridge đã được nâng cấp, tái thiết thành một tổ hợp đẳng cấp với tên gọi Chelsea Village. Đây là một khu vực hoàn chỉnh với nhà hàng, khách sạn và trung tâm thể dục thể thao, giải trí.

Stamford Bridge từng là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như các trận đấu quốc tế của đội tuyển Anh, trận chung kết Cúp FA, vòng bán kết Cúp FA và Siêu cúp Anh. Bên cạnh đó, tại đây cũng tổ chức nhiều sự kiện thể thao khác như: rugby union, đua chó, bóng chày đua xe tốc độ, cricket và bóng bầu dục Mỹ.

3. Cổ động viên

Chelsea là một trong những câu lạc bộ có lượng cổ động viên đông đảo nhất thế giới. Họ là CLB có lượng bình quân khán giả tới sân cao thứ sáu của bóng đá Anh với khoảng 40,000 cổ động viên tới sân Stamford Bridge mỗi mùa. Ngoài ra còn rất nhiều hội cổ động viên chính thức ở Vương quốc Anh và trên toàn thế giới. Giai đoạn 2007 tới 2012, Chelsea xếp thứ tư trên thế giới về doanh số bán áo hàng năm với bình quân 910.000 chiếc. Hệ thống MXH chính thức của Chelsea có gần 100 triệu người theo dõi, xếp thứ năm trong các câu lạc bộ bóng đá.

Đội bóng có lượng cổ động viên đến sân ủng hộ trung bình cao nhất bóng đá Anh vào các mùa giải 1907-1908, 1909-1910, 1911-1912, 1912-1913 và 1913-1914. Đáng lưu ý nhất là có tới 67.000 cổ động viên đã tới tham dự trận đấu với Manchester United vào ngày thứ Sáu tuần Thánh năm 1906. Đây là mức kỷ lục đối với mọi trận đấu ở London thời bấy giờ. Ngoài ra, 55.000 khán giả đã tới xem trận derby thành London đầu tiên giữa Chelsea và Woolwich Arsenal, mức kỷ lục cho một trận đấu ở Giải hạng nhất. Có đến 77.952 khán giả đã tới dự trận đấu vòng tứ kết Cúp FA giữa Chelsea và Swindon vào ngày 13 tháng 4 năm 1911.

Hội CĐV Chelsea tại Việt Nam

Trong các trận đấu, các cổ động viên Chelsea hát những bài hát như "Carefree", "Ten Men Went to Mow", "We All Follow the Chelsea", "Zigga Zagga" và "Celery", kèm theo sau đó là truyền thống ném cần tây khi đội nhà giành chiến thắng. Rau quả bị cấm ở Stamford Bridge sau vụ việc liên quan tới tiền vệ Arsenal Cesc Fàbregas trong trận chung kết League Cup 2007.

Từ những năm 1990, đã có sự suy giảm đáng kể về những rắc rối liên quan đến hooligan trên khán đài, đây là thành công từ việc quản lý chặt chẽ hơn, camera được lắp xung quanh sân. Năm 2007, câu lạc bộ khởi động chiến dịch 'Back to the Shed' nhằm cải thiện bầu không khí trong các trận đấu sân nhà, đạt được những thành công đáng chú ý. Theo số liệu từ Home Office, 126 cổ động viên Chelsea bị bắt vì liên quan đến bóng đá mùa 2009/10, cao thứ ba giải đấu, và 27 lệnh cấm được đưa ra. 

4. Huy hiệu và màu áo truyền thống

4.1 Huy hiệu CLB

Logo của Chelsea FC không chỉ là biểu tượng nhận diện thương hiệu của một trong những đội bóng Anh vĩ đại nhất mà còn chứa đựng ý nghĩa và lịch sử sâu sắc. Logo này đã trải qua một số thay đổi kể từ khi câu lạc bộ được thành lập vào năm 1905, với phiên bản hiện tại là một biểu tượng mạnh mẽ của truyền thống và niềm tự hào.

Logo hiện tại của Chelsea được thiết kế dựa trên một quả cầu có chứa một con sư tử mặc áo giáp đang giữ một cây gậy, được gọi là “The Lion Rampant Regardant”. Đây là biểu tượng thể hiện sức mạnh, uy quyền và lòng dũng cảm, phản ánh tinh thần chiến đấu và khát vọng vươn tới thành công của câu lạc bộ.

Con sư tử trong logo cũng gợi nhớ đến tước hiệu của Hạt Earl Cadogan, chủ tịch câu lạc bộ trong quá khứ, và vùng Chelsea nói chung, liên kết sâu sắc với khu vực Tây London mà câu lạc bộ gọi là nhà. Điều này nhấn mạnh mối quan hệ và sự gắn bó giữa câu lạc bộ với cộng đồng địa phương.

Màu xanh dương chủ đạo của logo phản ánh màu sắc truyền thống của Chelsea FC, tượng trưng cho lòng trung thành và sự tin cậy. Màu xanh dương đã trở thành một phần không thể thiếu trong những năm tháng hào hùng của câu lạc bộ thành London. 

4.2 Màu áo truyền thống

Trang phục áo đấu màu xanh được lựa chọn theo màu đội đua ngựa của Chủ tịch Chelsea là ngài Codogan, sau đó quần trắng và tất màu xanh đậm được thêm vào. Thời gian đầu, màu áo của Chelsea có màu xanh nhạt như của Manchester City hiện nay. Theo thời gian, màu xanh nhạt được thay bằng màu xanh đậm vào khoảng năm 1912.

Những năm 1960 huấn luyện viên Chelsea Tommy Docherty thay đổi một lần nữa, chuyển sang quần xanh (duy trì đến hiện tại kể từ đó) và tất trắng, vì tin rằng nó sẽ làm cho câu lạc bộ trở lên hiện đại và đặc biệt do thời đó chưa có câu lạc bộ nào sử dụng kiểu kết hợp đó; trang phục này lần đầu được mặc ở mùa giải 1964–65.

5. Biệt danh của Chelsea

Biệt danh của Chelsea là “The Blues”. Biệt danh này có nguồn gốc từ màu sắc chủ đạo trên áo đấu của câu lạc bộ, màu xanh da trời. “The Blues” mang ý nghĩa đơn giản nhưng sâu sắc, thể hiện màu sắc đặc trưng và tinh thần của Chelsea. Màu xanh da trời là màu sắc truyền thống của Chelsea và đã trở thành biểu tượng đặc trưng của câu lạc bộ. Đây không chỉ đơn thuần là một màu sắc mà còn mang trong đó những giá trị và ý nghĩa đặc biệt, biểu tượng của niềm tự hào, độc lập và bản lĩnh.

“The Blues” cũng thể hiện tinh thần và sự kiên cường của Chelsea trong cuộc chiến trên sân cỏ. Biệt danh của Chelsea này ám chỉ sự cạnh tranh, sự quyết tâm và khả năng chịu đựng của câu lạc bộ. Đối với người hâm mộ, “The Blues” không chỉ là một biệt danh, mà còn là một cảm xúc, một tình yêu và sự tương tác đặc biệt với câu lạc bộ.

6. Các đội bóng kình địch

Arsenal

Đối thủ chính của Chelsea là câu lạc bộ cùng thành phố Arsenal. Hai câu lạc bộ hàng đầu ở London luôn luôn có sự thù địch từ những năm 1930. Các trận đấu giữa họ thường sẽ thu hút một lượng khán giả lớn. Những người hâm mộ Chelsea đã trả lời khảo sát nói rằng họ coi Arsenal là đối thủ chính thực sự của họ, còn Tottenham và Queens Park Rangers là đối thủ truyền thống của họ.

Tại các giải tranh cup thể thức đấu loại trực tiếp, hai câu lạc bộ đã gặp nhau ở hai trận Chung kết Cúp FA 2002, khi đó Arsenal giành chiến thắng 2-0, và Cúp liên đoàn Anh năm 2007, Chelsea thắng 2-1. Hai đội cũng đã gặp nhau tại UEFA Champions League vòng tứ kết trong mùa giải 2003/04, ở lượt đi mặc dù bị cầm hòa 1-1 trên sân nhà Stamford Bridge, nhưng lượt về Chelsea đã thắng 2-1 tại Sân vận động Highbury để tiến vào vòng bán kết.

Những trận derby London giữa Chelsea và Arsenal luôn rất nóng bỏng

Trận thua đậm nhất của Chelsea trước Arsenal là vào mùa giải 2011/12, Chelsea khi ấy dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên người Bồ Đào Nha, ông André Villas-Boas đã để thua với tỷ số 3-5, trong đó có 1 cú hat-trick của tiền đạo Robin van Persie bên phía Arsenal. Còn trận thắng đậm nhất của Chelsea trước kình địch cùng thành phố London diễn ra đúng vào ngày Arsène Wenger kỉ niệm 1000 trận dẫn dắt Arsenal vào năm 2014. Khi ấy Chelsea của José Mourinho, một người cũ vốn có những bất đồng với Wenger đã bất ngờ giành chiến thắng với tỷ số 6-0. Đó có thể coi là màn trả thù ngọt ngào của The Blues khi đã thua 3-5 vào năm 2011.

Tottenham Hotspurs

Ngoài Arsenal, Tottenham được xem là đối thủ kình địch thứ hai của Chelsea. Hai câu lạc bộ ở London luôn có sự ganh đua mạnh mẽ từ năm 1967. Trận đấu giữa họ thường sẽ thu hút lượng khán giả lớn và đôi khi sẽ kết thúc trong các cuộc đụng độ bạo lực giữa những CĐV. 

Từ những năm 1990, Chelsea đã thống trị trong các lần đối đầu với Tottenham, họ bất bại trước đối thủ của họ hơn một thập kỷ, mà đỉnh cao là chiến thắng 6-1 trên sân White Hart Lane của Tottenham. Đó cũng là trận thắng đậm nhất của Chelsea trước Tottenham, cũng là trận thắng đậm nhất trên sân của đối thủ. Vào ngày 5 tháng 11 năm 2006, Tottenham đánh bại Chelsea 2-1 trên sân White Hart Lane, kết thúc thời gian dài 16 năm mà không có nổi một chiến thắng trước The Blues.

Vào ngày 1 tháng 3 năm 2015, Chelsea đã giành Cúp Liên đoàn bóng đá Anh sau chiến thắng 2-0 trước Tottenham, hai bàn thắng được ghi bởi John Terry và Diego Costa. Sau trận đấu, các fan đã đụng độ trong một tàu điện ngầm.

7. Những danh hiệu Chelsea đạt được

Sau khi giành chức vô địch UEFA Europa League 2012–13, Chelsea trở thành đội thứ năm trong lịch sử giành đủ "Bộ ba cúp châu Âu" với UEFA Champions League, UEFA Cup Winners' Cup, và UEFA Europa League sau Juventus, Ajax, Bayern Munich, Manchester United.

7.1. Danh hiệu quốc nội

Giải vô địch quốc gia

First Division / Premier League

Vô địch (6): 1954–55, 2004–05, 2005–06, 2009–10, 2014–15, 2016–17

Second Division / Championship

Vô địch (2): 1983–84, 1988–89

Giải đấu cúp

FA Cup

Vô địch (8): 1969–70, 1996–97, 1999–2000, 2006–07, 2008–09, 2009–10, 2011–12, 2017–18

Football League Cup

Vô địch (5): 1964–65, 1997–98, 2004–05, 2006–07, 2014–15

FA Community Shield

Vô địch (4): 1955, 2000, 2005, 2009

Full Members' Cup

Vô địch (2): 1985–86, 1989–90

7.2. Danh hiệu châu Âu

UEFA Champions League

Vô địch (2): 2011–12, 2020–21

UEFA Europa League

Vô địch (2): 2012–13, 2018–19

UEFA Cup Winners' Cup

Vô địch (2): 1970–71, 1997–98

UEFA Super Cup

Vô địch (2): 1998, 2021

7.3. Danh hiệu Thế giới

FIFA Club World Cup

Vô địch (1): 2021

Bình luận