Tham gia Na99 Top App

THỂ THỨC THI ĐẤU EURO 2024 THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO SAU 64 NĂM?

Ngày đăng: 24/04/2024

Ý tưởng tổ chức Euro: Thậm chí còn ra đời trước World Cup

UEFA EURO  ra đời vào năm 1960. Giải đấu này ra đời khá muộn so với giải Copa America (1916) hay World Cup (1930). Thực tế, ý tưởng tổ chức giải đấu của các quốc gia châu Âu đã có từ năm 1927 bởi Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Pháp đương thời, Henri Delaunay. Tuy nhiên, ý tưởng của ông không được các nước châu Âu hoan nghênh cho lắm. Thậm chí, World Cup còn chưa ra đời ở thời điểm ấy. Có thể vì suy nghĩ của các nhà làm bóng đá thời ấy khá đơn giản, vì sao một giải vô địch bóng đá thật hấp dẫn lại phải gói gọn trong phạm vi các nước châu Âu thay vì mở rộng ra toàn thế giới? Thậm chí, ở thuở sơ khai túc cầu giáo, đội bóng số một thế giới là Uruguay chứ không phải các đội tuyển đến từ lục địa già. Vậy nên, giải EURO mà Henri Delaunay ấp ủ đành phải nhường chỗ cho World Cup, giải bóng đá mà đồng hương và cũng là đồng nghiệp của Delaunay, ông Jules Rimet, tích cực vận động.

Henri Delaunay

Henri Delaunay - người được coi là cha đẻ của giải đấu EURO

Mãi đến khi UEFA tức LĐBĐ châu Âu được thành lập vào năm 1954. Henri Delaunay mới có cơ hội hiện thực hoá ý tưởng của mình khi ông chính là tổng thư ký đầu tiên của liên đoàn. Tiếc thay, chỉ một năm sau thì Henri Delaunay qua đời. Con trai ông là Pierre Delaunay kế thừa ghế tổng thư ký UEFA và tiếp tục nuôi dưỡng ý tưởng của cha. Đến ngày 28/6/1957 thì đứa con tinh thần của gia đình Delaunay mới được hình thành.

Tại một phiên họp lịch sử của UEFA, 14 quốc gia thành viên (Tiệp Khắc, Đan Mạch, CHDC Đức, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Luxembourg, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Liên Xô, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Tư) đã bỏ phiếu thuận cho việc tổ chức kỳ Euro đầu tiên. Ở thời điểm ấy, UEFA mới chỉ có 29 thành viên. Có 3 thành viên vắng mặt trong phiên họp lịch sử năm 1957: Iceland, Xứ Wales và Albania. 14/29 là số phiếu còn chưa quá bán (so với tổng số thành viên UEFA), đủ thấy sự ra đời của đấu trường EURO khó khăn như thế nào!

Từng có thời EURO chỉ cần ghi 2 bàn là đã giành “Vua phá lưới”

Giải đấu đầu tiên chỉ có 17 đội đăng ký tham dự vòng loại. Trong đó, những cường quốc bóng đá hiện tại như Tây Đức, Italia hay Anh đều vắng mặt. Vòng loại cũng không được tổ chức theo bảng đấu như bây giờ mà sắp xếp theo thể thức loại trực tiếp (lượt đi, lượt về). Ngày 28/9/1958, trận đấu đầu tiên vòng loại giữa Liên Xô và Hungary diễn ra. Đây là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho một trong những giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh. 

Thời điểm đó Tây Ban Nha chính là một cường quốc bóng đá ở châu Âu, điển hình là việc Real Madrid đã có tới 5 chức vô địch giải C1 liên tiếp. Tuy nhiên, do có mâu thuẫn chính trị với Liên Xô, đội tuyển xứ bò tót thẳng thừng từ chối đến Liên Xô thi đấu. Vì vậy, đội bóng của “Nhện đen” Lev Yashin nghiễm nhiên được xử thắng 3-0. Tới năm 1960, 4 đội Tiệp Khắc, Pháp, Liên Xô và Nam Tư đã lọt vào vòng chung kết. Ban tổ chức quyết định chọn Pháp làm nước chủ nhà. Ở vòng bán kết, Liên Xô đã giành chiến thắng 3-0 trước Tiệp Khắc còn Nam Tư vượt qua chủ nhà Pháp với tỷ số 5-4. Sau đó, Liên Xô đã lên ngôi vô địch sau khi đánh bại Nam Tư ở trận chung kết với tỷ số 2-1 (sau thời gian đá hiệp phụ). 1960 là kỳ Euro thậm chí có nhiều “Vua phá lưới” nhất khi có 5 cầu thủ đều ghi 2 bàn thắng ở giải đấu năm ấy (Valentin Ivanov, Viktor Ponedelnik,Milan Galic, Drazan Jerkovic, Francois Heutte). Những năm 60 thế kỷ trước quả là giai đoạn vàng son của bóng đá Xô Viết. Lev Yashin cũng đã đi vào ngôi đền huyền thoại khi vẫn là thủ môn duy nhất đến nay đoạt gianh hiệu “Quả bóng vàng”. 

Trận chung kết giữa Liên Xô và Nam Tư tại EURO 1960

Giải EURO từng có tới 2 trận chung kết, điều ngỡ chỉ tồn tại ở… AFF Cup

Trước khi giải đấu được mở rộng quy mô lên 8 đội vào năm 1980, bốn đội giành chức vô địch sau lần đăng quang đầu tiên của Liên Xô đó là Tây Ban Nha (1964), Italia (1968), Tây Đức (1972) và Tiệp Khắc (1976). Đáng chú ý, giải đấu vào năm 1968 có những điều luật khá… kỳ quặc. 

Ở trận bán kết đầu tiên, Italia đụng độ với Liên Xô cực hùng mạnh thời điểm đó. Sau 120 phút không có bàn thắng, trọng tài đã gọi đội trưởng hai đội vào phòng họp để tiến hành tung đồng xu xác định đội bóng thắng cuộc. Đội trưởng Facchetti chính là người may mắn với “Đoàn quân áo thiên thanh” khi mang lại chiến thắng cho đội tuyển của anh. Đây là trận đấu hy hữu nhất lịch sử Euro bởi chỉ được xác định nhờ luật tung đồng xu. Đội tuyển Italia bước vào chung kết gặp Nam Tư (đội giành chiến thắng 1-0 trước đội vô địch World Cup 1966, đội tuyển Anh). Họ tiếp tục không thể giải quyết thắng thua sau 120 phút thi đấu (hòa 1-1). Sau đó, Ban tổ chức buộc phải tổ chức trận đá lại vài ngày sau đó. Lần này, Italia đã giành chiến thắng với tỷ số 2-0 để lên ngôi vô địch. Phải chăng, việc AFF Cup những năm gần đây thường có tới 2 trận chung kết như là một sự học hỏi từ EURO 1968! 

 

Đội trưởng Facchetti cùng chức vô địch EURO đầu tiên của đội tuyển Italia

 

Năm 1980 là giải đấu đầu tiên EURO áp dụng thể thức đá vòng bảng với 2 bảng đấu A, B được chia cho 8 đội. Tuy vậy, khá kỳ lạ là chỉ 2 đội đầu bảng mới giành quyền đi tiếp, tiến thẳng tới chung kết. Vì thế nên EURO 1980 là EURO duy nhất không có các trận bán kết. Năm ấy đội tuyển Đức giành chức vô địch sau khi đánh bại Bỉ. Đây cũng là giải đấu chứng kiến sự xuất hiện của mascot đầu tiên - Pinocchio, chú bé người gỗ nổi tiếng trong văn học dân gian Ý. 

Bàn Thắng Vàng - thứ mang lại cảm xúc đặc biệt ở các trận chung kết Euro

Đến EURO 1996, giải lại có thêm một bước tiến mới: có đến 16 đội dự VCK, chia thành 4 bảng thi đấu vòng tròn, chọn ra 8 đội vào tứ kết, tiếp tục đá 2 trận bán kết và một trận chung kết để xác định nhà vô địch. Việc Liên Xô tách ra thành 15 nước, Tiệp Khắc và Nam Tư cũng đều chia thành nhiều quốc gia khác nhau, đã khiến số thành viên của UEFA tăng vọt. Vì vậy, giải EURO nâng tầm quy mô cũng như hiện đại hoá thể thức thi đấu cũng là điều dễ hiểu.

Từ năm 1996 đến 2012 - giai đoạn EURO có 12 đội tham dự, đây cũng là quãng thời gian người hâm mộ chứng kiến luật Bàn thắng vàng ở những trận đấu vòng knock-out. Đến hiện tại, đây vẫn là một tranh cãi lớn với giới mộ điệu, người thì bảo Bàn thắng vàng là nguyên nhân giết chết cảm xúc bóng đá, tạo nên những trận thua tức tưởi, người lại cho rằng, Bàn thắng vàng mới khiến hai đội đá “thật” hơn, nhiệt hơn, tránh câu kéo thời gian đến loạt đá penalty. Từng có thời, bàn thắng vàng đã quyết định 2 trận chung kết Euro liên tiếp. Oliver Bierhoff ghi bàn quyết định vào năm 1996 giúp Đức giành chiến thắng trước Cộng hòa Séc và 4 năm sau vào năm 2000, David Trezeguet đã mang về chức vô địch Euro cho Pháp bằng cách ghi Bàn thắng vàng vào lưới Ý.

David Trezeguet ăn mừng cảm xúc sau Bàn thắng vàng vào lưới đội tuyển Italia ở chung kết EURO 2000

EURO tăng số đội tham dự lên 24, những kỷ lục liên tiếp được phá vỡ

Dựa trên đề xuất của cựu chủ tịch Michael Platini, kể từ EURO 2016 đến nay, các vòng chung kết có 24 đội chia thành 6 bảng đấu, mỗi bảng 4 đội. Hai đội nhất nhì mỗi bảng và 4 đội hạng 3 có thành tích tốt nhất vào vòng 16 đội. Tại vòng 16 đội, các đội thi đấu theo thể thức loại trực tiếp, đội thắng vào vòng Tứ kết, Bán kết và Chung kết. Việc đội đứng hạng 3 cũng có thể được đi tiếp khi các trận đấu tại vòng bảng sẽ bớt đi sự nhàm chán, các đội sẽ thi đấu với tinh thần cao nhất, thành tích tốt nhất để nuôi hy vọng vào vòng sau. Có lẽ vì số đội tham gia đông cộng thêm tinh thần thi đấu quật cường, ít có những trận “thủ tục”, nên càng ngày càng có những kỷ lục được lập nên. 

Điển hình là ở EURO 2020, có tới 142 bàn thắng được ghi sau 51 trận. Tỷ lệ bàn thắng trung bình là 2,78 bàn mỗi trận. Ghi bàn nhiều đồng thời số lần phản lưới cũng nhiều. kỳ EURO 2020 có cả thảy 11 trường hợp trở thành “tội đồ”. Trước đó, trong lịch sử châu Âu mới chỉ có 9 bàn phản lưới. Bởi đại dịch COVID-19, EURO 2020 cũng là lần đầu tiên có tới 26 cầu thủ được phép đăng ký trong danh sách triệu tập. Đây chính là lý do ngày càng có nhiều ngôi sao mai trình làng, chuyện 2 cầu thủ có độ tuổi như bố-con chơi bóng với nhau không phải là chuyện hiếm. EURO 2020 có tới 2 cầu thủ trẻ nhất lịch sử được ra sân, đó chính là Jamal Musiala (18 tuổi 117 ngày) và Jude Bellingham (18 tuổi 4 ngày). 

 Jude Bellingham là một trong những cầu thủ trẻ nhất lịch sử EURO ra sân khi chỉ mới 18 tuổi

Nhiều người nói rằng, một giải đấu châu lục thi đấu theo thể thức 24 đội sẽ tạo nên nhiều khoảng cách về mặt trình độ. Tất nhiên sự chênh lệch trình độ chỉ là trên lý thuyết. EURO luôn là sân chơi tiềm ẩn rất nhiều yếu tố bất ngờ. Chức vô địch của Đan Mạch năm 1992 hay Hy Lạp năm 2004 cho thấy mọi điều đều có thể xảy ra ở giải đấu này!

 Chảo Lửa TV hân hạnh phát sóng trực tiếp toàn bộ các trận đấu trong khuôn khổ giải đấu Vô địch Châu Âu 2024, hy vọng sẽ là cầu nối cho các fan hâm mộ theo dõi linh hoạt nhất. 

Bình luận