Tham gia Na99 Top App

Euro 2024: Khó khăn bủa vây đội chủ nhà Đức

Ngày đăng: 17/04/2024

Trong 13 trận đấu kể từ World Cup 2022 ở Qatar, đội tuyển Đức thua tới gần một nửa. Dẫu cho dưới thời Julian Nagelsmann, “Những cỗ xe tăng” đã nhen nhóm những tín hiệu tích cực. Tuy vậy, không có nghĩa là người hâm mộ đội tuyển Đức cảm thấy yên tâm đối với đội tuyển quốc gia nước này, đặc biệt khi mà hàng công vẫn chưa thể có được một chân sút thực sự đẳng cấp. Bên cạnh đó, thực lực Đức lúc này vẫn còn là một dấu hỏi khi họ được miễn thi đấu vòng loại của giải đấu Euro 2024.

Thiếu vắng một thủ lĩnh đích thực

Vai trò của thủ lĩnh, một người đội trưởng trong bóng đá là câu chuyện ai cũng hiểu rõ. Nhưng đối với trường hợp của đội tuyển Đức, vai trò của người thủ lĩnh phải nâng lên ở tầm đặc biệt.

Thứ nhất, đội tuyển Đức là sự pha trộn của rất nhiều dòng máu khác nhau, với chính sách nhập tịch cầu thủ của quốc gia này. Điểm tích cực của chính sách này là việc thu hút nhân tài đóng góp cho đội tuyển. Nhưng sự hoài nghi về tinh thần thi đấu cũng là rất lớn. Thậm chí, sau chuỗi ngày thi đấu bết bát dưới thời Hansi Flick, truyền thông quốc tế còn mỉa mai rằng, những cầu thủ nước này đang làm “nghĩa vụ quốc gia bắt buộc”. 

Đội tuyển Đức đang thiếu một thủ lĩnh thực sự như Oliver Kahn những năm đầu thập niên 2000

Thứ hai, đội tuyển Đức là tập hợp của rất nhiều những ngôi sao. Mà lẽ đời, tài giỏi thì thường đi với cái tôi lớn, trong lịch sử đã có nhiều trường hợp cầu thủ đề cao cái tôi hơn tập thể như Mesut Ozil hay Michael Ballack. Để dung hòa cái tôi trong một tập thể cần phải có người thủ lĩnh đích thực.

Lịch sử bóng đá Đức không thiếu những thủ lĩnh ở nghĩa huyền thoại. Đó là những Lothar Matthaus, Franz Beckenbauer, Oliver Kahn,… - những người đã góp phần làm nên cái gọi là “tinh thần Đức”. Nhưng đó là câu chuyện của lịch sử, còn hiện tại thì chẳng một ai ở đội tuyển Đức tiệm cận với hai chữ “thủ lĩnh”.

Nỗi lo hàng tấn công

Sau khi sa thải Hansi Flick, liên đoàn bóng đá Đức đã bổ nhiệm Julian Nagelsmann vào chiếc ghế nóng. Đây có thể nói là một sự bổ nhiệm đầy áp lực đối với Julian Nagelsmann, khi mà áp lực thành tích đã nằm ngay ở trước mắt với vòng chung kết Euro 2024 được tổ chức ngay ở nước nhà. 

Không chỉ là áp lực thành tích, mà đi kèm đó chính là áp lực về mặt chất lượng đội hình, khi chất lượng đội hình của đội tuyển Đức có thể nói là đáng để báo động nếu như hướng tới chức vô địch, đặc biệt là vị trí tiền đạo mũi nhọn khi bóng đá Đức đang không có chân sút nào thực sự đẳng cấp.

Kể từ khi Julian Nagelsmann nhậm chức, thành tích của ông có được với “Những cỗ xe tăng” là 3 chiến thắng, 1 trận hoà và 2 trận thua. Đây đơn giản là những trận đấu giao hữu, nói nôm na là vô thưởng vô phạt, vấn đề ở đây chỉ đơn giản là đội tuyển Đức có lối đá như thế nào và các vị trí ra sao mà thôi. Hiển nhiên ai cũng có thể nhận ra, Julian Nagelsmann có thể an tâm ở các tuyến, trừ hàng công vẫn rất khó khăn trong việc tìm kiếm bàn thắng.

Jamal Musiala hay Niclas Fullkrug chỉ là những cầu thủ tấn công "tầm thường" thời điểm hiện tại

Trong tay Julian Nagelsmann chỉ có những cái tên như Jamal Musiala, Niclas Fullkrug, Thomas Muller, Timo Werner, Karim Adeyemi… Mà trong đó thậm chí Jamal Musiala hoặc Thomas Muller… vốn không phải là người chuyên đá ở vị trí tiền đạo mũi nhọn. Nhưng khi mà Niclas Fullkrug, Timo Werner hoặc Karim Adeyemi… dứt điểm quá tệ, hoặc không tìm được đường vô khung thành, thì thậm chí Thomas Muller hoặc Kai Havertz bị đẩy lên đá cao nhất để tận dụng chiều cao của Kai Havertz hoặc khả năng tận dụng khoảng trống dứt điểm của Thomas Muller.

Dẫu cho trong các trận giao hữu đối đầu với Pháp và Hà Lan, Florian Wirtz hay Niclas Füllkrug đều lập công, nhưng nên nhớ ở đẳng cấp đó thì không thể so bì với đội tuyển Anh hay Pháp, những quốc gia đang “lạm phát” tài năng thời gian gần đây. Trong quá khứ, chính việc không có được những chân sút thực sự tốt, mà đội tuyển Đức đã không ít lần phải chấp nhận thất bại một cách cay đắng khi có được một thế trận hoàn toàn áp đảo, nhưng không thể ghi bàn vào lưới đối thủ, để rồi thua ngược. 

Thực tế thì lối đá không tiền đạo mũi nhọn mà sử dụng những tiền đạo ảo, cùng các cầu thủ chạy biên giỏi cũng là một phương án cực kỳ tốt đối với các cầu thủ của đội tuyển Đức ở thời điểm hiện tại. Nhưng vấn đề mục tiêu của LĐBĐ Đức đặt ra cho Julian Nagelsmann ở Euro 2024 là phải vô địch. Có thể nói, đây là nhiệm vụ khó khăn, dẫu cho “Tinh thần Đức” có phát huy hết khả năng thì bộ khung thiếu sự chất lượng vẫn là nhiệm vụ nan giải với họ. 

Sự trở lại muộn màng của Toni Kroos

Sự trở lại của Toni Kroos trong thành phần tuyển Đức mang tới sự phấn khích cho người hâm mộ, họ chờ đợi đội nhà giành lấy vinh quang tại vòng chung kết Euro 2024. Tuy nhiên, nên nhớ một sự thật phũ phàng rằng Kroos không còn trẻ, anh đã 34 tuổi. Ngay cả những ngôi sao bên kia sườn dốc sự nghiệp như Luka Modric hay Cristiano Ronaldo đến với Euro 2024 cũng không dám chắc gánh vác được nổi đội tuyển quốc gia của họ, đơn giản sự có mặt của họ chỉ là điểm tựa về mặt tinh thần. 

Ở Real Madrid, 5 trận gần nhất, Toni Kroos cũng chỉ có 2 trận xuất phát ở đội hình ra sân. Dù cầu thủ người Đức không hề chấn thương nhưng Carlo Ancelotti cũng thừa hiểu vấn đề thể lực không còn là điểm mạnh của cậu học trò. So với Camavinga, Kroos vượt trội về bản lĩnh lẫn kinh nghiệm thực chiến, khi cần tốc độ, ưu tiên vẫn được dành cho cầu thủ người Pháp nhiều hơn. 

Người hâm mộ đặt nhiều hy vọng về màn tái xuất của Toni Kroos ở Euro 2024

Một vấn đề nữa, cá tính của Toni Kroos quá mạnh, tiếng nói trong phòng thay đồ của anh có khi còn lớn hơn cả Julian Nagelsmann. Ở đội tuyển Đức bây giờ có nhiều cầu thủ mang tinh thần của Kroos, thừa phẩm chất cá nhân nhưng lại thiếu tinh thần đồng đội. Đó là thứ đã từng khiến Đức trở thành một quốc gia đáng sợ trong lịch sử. Những lúc hoàn cảnh éo le người ta thường hay nhắc đến từ “giá như”. Giá như Kroos trở lại sớm trước một năm, đội tuyển Đức sẽ không lâm vào tình trạng khó khăn như bây giờ. Giá như Kroos trở lại sớm hơn, biết đâu anh sẽ là “quân sư” cho Nagelsmann giúp tuyển nhà định hình lối chơi rõ rệt. Giá như Kroos trở lại sớm hơn, Musiala hay Adeyemi sẽ trưởng thành biết bao nhiêu. Nhưng dù muộn màng, sự trở lại của Toni Kroos thời điểm này có còn hơn không. Có một cầu thủ đẳng cấp cao như vậy, đối thủ sẽ nhìn Đức với một con mắt khác. Và tất nhiên, người hâm mộ sẽ có quyền mong chờ về một điều thần kỳ nào đó chăng. 

Lời nguyền sân nhà

Trong lịch sử bóng đá Thế giới, đội tuyển Đức là một tượng đài vĩ đại, được các quốc gia khác ngưỡng mộ. Họ sở hữu 4 chức vô địch World Cup và 3 chức vô địch Euro. Nhưng trớ trêu thay, “Những cỗ xe tăng” chưa bao giờ lọt vào trận Chung kết khi Euro được tổ chức trên sân nhà, chứ đừng nói đến việc giành chức vô địch. 

Trận Bán kết trên sân nhà giữa Đức và Italia ở World Cup 2006 vẫn là một cơn ác mộng với CĐV "Những cỗ xe tăng"

Ở thế kỷ XXI, thậm chí Đức còn chưa một lần nâng cao chiếc cúp Euro. 3 Lần gần nhất họ đăng quang là vào năm 1972, 1980 và 1996, tức là đã gần 30 năm. Thậm chí, ở giải đấu lớn gần nhất được tổ chức trên sân nhà là World Cup 2006, không ai có thể quên được hình ảnh hai CĐV nữ người Đức khóc tức tưởi khi Alessandro Del Piero tung đòn kết liễu ở trận Bán kết, loại đội chủ nhà sau đó đánh bại Pháp để giành ngôi vô địch. Một hình ảnh tương phản khi hai cô gái đội chiếc vòng nguyệt quế - biểu tượng của chiến thắng và vinh quang, nhưng lại rơi nước mắt vì thất bại ngay trên SVĐ ở Berlin.

Theo tỷ lệ cược mà nhà cái Bet365 đưa ra, Anh và Pháp là 2 ứng cử viên sáng giá nhất cho chức vô địch Euro 2024 với tỷ lệ 7/2 (đặt 2 ăn 7). Đứng thứ 3 là chủ nhà Đức với tỷ lệ ⅙ - ngang hàng với đội tuyển Tây Ban Nha. Nhưng đừng quên, vẫn còn đó những đối thủ nặng ký khác như Bồ Đào Nha, Bỉ hay ĐKVĐ Italia. Vì vậy, cơ hội để Đức phá “lời nguyền sân nhà” vẫn là một thử thách đầy chông gai với đoàn quân của Nagelsmann. 

Bình luận